• 0966 243 066
  • hello@sokfarm.com

Chỉ số GI là gì và ảnh hưởng đến sức khoẻ

Mỗi loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng đều đặc trưng bởi các chỉ số như thành phần dinh dưỡng, đạm, đường, béo các vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm. Thêm vào đó có một chỉ số nữa đại diện cho từng loại thực phẩm đó là chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI). Vậy GI là gì? Chỉ số này có ảnh hưởng tới sức khỏe không? Làm sao để ứng dụng chỉ số này vào cuộc sống


Chỉ số GI là gì?


Glycemic Index (GI) hay còn được gọi là chỉ số đường huyết của thực phẩm. Chỉ số đường huyết của một loại thực phẩm giúp chúng ta có thể biết được tốc độ ảnh hưởng của thực phẩm lên đường huyết của bạn khi bạn chỉ sử dụng thực phẩm đó. GI được chia thành 3 nhóm dựa vào sự nhanh hay chậm làm thay đổi đường huyết của thực phẩm


Yếu tố ảnh hưởng đến GI thực phẩm:

  • Thời gian và nhiệt độ chế biến: Chế biến thực phẩm trong thời gian dài ở nhiệt độ cao làm cho carbohydrat của thực phẩm dễ dàng hấp thu, làm tăng chỉ số GI của thực phẩm. 
  • Thực phẩm chế biến cùng: Các thực phẩm khi được nấu cùng với chất béo và chất đạm sẽ làm chậm quá trình hấp thu carbohydart, làm giảm chỉ số GI của thực phẩm. Ví dụ: Khoai tây chiên có chỉ số GI thấp hơn so với khoai tây luộc.

Khoai lang nướng sẽ làm tăng đường huyết nhanh hơn so với khoai lang hấp.

Thực phẩm GI cao (>70)


Các thực phẩm có carbohydrat dễ dàng bị phân giải, hấp thu vào cơ thể và làm tăng nhanh chóng đường huyết của người sử dụng là thực phẩm có chỉ số GI cao. Các thực phẩm có GI cao:

  • Đường và các thực phẩm có đường (bánh, kẹo,...)
  • Nước ngọt
  • Bánh mì trắng
  • Khoai tây
  • Gạo trắng



Thực phẩm GI thấp và trung bình


Các thực phẩm có chỉ số GI thấp và trung bình có carbohydrat phân giải chậm hơn và làm đường huyết tăng ổn định theo thời gian. Thực phẩm có chỉ số GI thấp và trung bình:

  • Một vài trái cây và rau (bưởi, đào, táo, cam, các loại rau xanh,...)
  • Các loại đậu
  • Các thực phẩm nguyên cám (gạo lứt, yến mạch nguyên cám,...)

Đặc biệt, mật hoa dừa organic Sokfarm là một trong ít những thực phẩm có vị ngọt tự nhiên từ hoa dừa (chỉ số đường huyết thấp với GI <55), thay thế cho các gia vị tạo ngọt. 

Các thực phẩm GI thấp thì luôn tốt?


Một vài các thực phẩm có chỉ số GI thấp như các thực phẩm nguyên cám, một số loại trái cây, các loại rau, các loại đậu, hạt là các thực phẩm nên được sử dụng hằng ngày trong một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng.

Nếu bạn chỉ sử dụng chỉ số đường huyết của thực phẩm để đánh giá thực phẩm có lành mạnh hay không có thể dẫn đến lựa chọn sai lầm. Các thực phẩm có chỉ số GI cao chưa hẳn đã là xấu, cũng như không phải tất cả các thực phẩm với GI thấp là lành mạnh. 

Dưa hấu và cần tây là các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng có chỉ số GI cao, trong khi socola lại có chỉ số GI thấp.

Một số thực phẩm chứa nhiều chất béo (thịt heo mỡ, xúc xích,...) hoặc được nấu cùng với chất béo và chất đạm (khoai tây chiên, bánh chiên,...) có chỉ số GI thấp, với lượng chất béo khá cao, các thực phẩm này không nên được sử dụng thường xuyên.

Vậy nếu chỉ chăm chăm sử dụng thực phẩm có chỉ số GI thấp, bạn có thể đang bị cuốn vào một chế độ ăn giàu chất béo và không lành mạnh.

Các thực phẩm GI thấp có giúp chúng ta giảm cân?


Sử dụng thực phẩm GI thấp giúp đường huyết của chúng ta tăng và giảm ổn định, chậm rãi, làm cho chúng ta có cảm giác no lâu hơn, giúp chúng ta kiểm soát sự thèm ăn. Điều này có thể hữu ích nếu bạn đang cố gắng giảm cân. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, chỉ số GI không phải là yếu tố duy nhất để đánh giá một thực phẩm có lành mạnh hay không.

Sử dụng chỉ số GI đối với bệnh nhân đái tháo đường?


Chỉ số GI là một chỉ số hữu ích đối với người bệnh đái tháo đường type 2. Người bệnh khi hiểu và tránh sử dụng các thực phẩm có chỉ số GI cao, thay thế bằng các thực phẩm có chỉ số GI thấp sẽ làm đường huyết tăng chậm, giúp kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên các bệnh nhân đái tháo đường cũng nên chú ý đến khối lượng các thực phẩm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng carbohydrat mà bạn sử dụng ảnh hưởng nhiều nhất đến đường huyết máu sau ăn.

GI là một chỉ số cho ta hiểu thêm về các loại thực phẩm. Điều quan trọng nhất là hãy sử dụng một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng, phù hợp với sức khỏe, một chế độ ăn ít chất béo, đường, muối và giàu các loại trái cây, rau củ. Hãy lựa chọn thực phẩm phù hợp với bản thân mình nhé. 




Bạn cần Đăng nhập blog.or Đăng ký blog.to_comment.

Danh sách bình luận (0)