• 0966 243 066
  • hello@sokfarm.com

Thời báo Tài chính Việt Nam: Chuyện lạ đời của vợ chồng "Ngãi mật hoa dừa"

Từ một giảng viên chuyên ngành kỹ thuật điện tại TP. Hồ Chí Minh, thạc sĩ Phạm Đình Ngãi (sinh năm 1989) đã quyết định bỏ tất cả để làm một chuyện rất lạ đời: lấy mật hoa dừa. "Quả đắng" đầu tiên không ngờ được chính là sự ngờ vực, phản đối quyết liệt của người dân địa phương. Có những tháng, Ngãi như sống luôn trên ngọn dừa để có thể hiểu được rõ nhất về từng giọt mật hoa dừa. Và rồi, lòng đam mê và sự quyết tâm của Ngãi cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Những giọt mật hoa dừa Sokfarm ngọt thơm của vùng đất Trà Vinh đã xuất ngoại, chinh phục được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ...

Sokfarm theo tiếng Khmer có nghĩa nông nghiệp hạnh phúc. Chàng thanh niên trẻ đã đặt tên gọi như vậy cho dự án khởi nghiệp của mình. CEO Phạm Đình Ngãi cho biết anh đang cùng vợ và các cộng sự thực hiện sứ mệnh mang lại hạnh phúc cho tất cả những cá nhân tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp gồm nông dân, nhà bán lẻ và người tiêu dùng


Chàng kỹ sư điện Phạm Đình Ngãi lấy mật hoa dừa.

Chàng kỹ sư điện “sống” trên ngọn dừa

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Kỹ thuật điện của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, anh Phạm Đình Ngãi giảng dạy tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Sau 4 năm, anh chuyển sang làm việc tại một công ty chế biến chocolate tại Tiền Giang. Thời điểm năm 2017-2018, anh cùng vợ về quê Trà Vinh sinh con đầu lòng. “Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy người ta vào mua cả một cây dừa có hơn 20 trái mà có giá chỉ 30 ngàn đồng. Đó là lúc, tôi nghĩ phải làm gì khác với cây dừa” - anh Ngãi cười hiền kể lại.

Và điều may mắn nhất chính là khi đem những trăn trở của mình chia sẻ với vợ, vốn là thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, chị Thạch Thị Chal Thi (vợ anh Ngãi) đã ngay lập tức hào hứng ủng hộ chồng tìm cách tăng giá trị kinh tế cho cây dừa của quê hương mình.

Năm 2018, anh Ngãi chính thức nghỉ việc để cùng vợ phát triển ý tưởng biến mật hoa dừa thành sản phẩm có lợi cho sức khoẻ thay vì chỉ thu hoạch trái dừa như trước đây. Đôi vợ chồng trẻ đã dành gần 2 năm để tìm hiểu mật hoa dừa, cách thu mật, cách chế biến sản phẩm, cả công đoạn xây nhà xưởng, phát triển thị trường… Đến tháng 9/2019, Sokfarm ra đời và đưa ra thị trường những sản phẩm đầu tiên.

Với quyết định này, anh Ngãi đối mặt với vô vàn khó khăn thời điểm đó. Anh không ngờ mình vấp phải sự không đồng tình của người dân quê nhà. Bởi xưa nay, nông dân vẫn trồng dừa lấy trái chứ không ai thu mật. “Mọi người đều cho rằng mình đi học đâu đó xa xôi để làm chuyện tào lao. Đặc biệt, họ nói việc làm của mình có thể phá hoại những vườn dừa. Tuy nhiên, mình hiểu được mình đang làm gì. Nó sẽ giúp ích cho người nông dân quê mình như thế nào nếu có thể phát triển…" - anh Ngãi cho biết.

Tiếp đó, vợ chồng anh Ngãi còn đối diện với khó khăn là làm sao kiểm soát và làm chủ được kỹ thuật thu mật hoa dừa. Gần 6 tháng đầu tiên, anh Ngãi gần như ngày đêm “sống trên ngọn dừa” để tìm hiểu về từng thời điểm cắt hoa, lấy mật, thử mọi phương pháp nhưng đều thất bại. May mắn, khi đi sâu vào nghiên cứu, anh Ngãi phát hiện đây là một nghề truyền thống của người Khmer. Anh đi học thêm một số kỹ thuật từ những già làng. Trong đó có kỹ thuật lấy nước của cây thốt nốt là nhờ dùng kẹp để giữ phần hoa. Áp dụng đúng phương pháp này, kết hợp với việc sử dụng chày gỗ gõ lên hoa cùng với việc massage, anh Ngãi thu được nhiều mật hơn. Anh Ngãi cho biết: “Ở thời điểm đầu, Sokfarm chỉ thu được 1 lít mật/1 ngày đêm. Theo thời gian kỹ thuật dần được nâng lên, lượng mật thu được cũng tăng lên khoảng 20%...”

Trà Vinh quê anh là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng từ xâm nhập mặn. Hiện ngập mặn đã xâm nhập vào sâu trong đất liền khoảng 100km, tính từ bờ biển. Xâm nhập mặn khiến nhiều cây không thể sống. Độ mặn ở mức 2 phần nghìn đã khiến cây sầu riêng rụng lá và 5 phần nghìn là cây chết. Trong khi đó, 5 phần nghìn vẫn là điều kiện sống lý tưởng của cây dừa. Nhưng nếu độ mặn gia tăng lên 15 phần nghìn, trái dừa sẽ bị teo hoặc rụng. Tuy nhiên cây vẫn ra hoa đáp ứng việc thu mật. “Nên việc chuyển đổi từ thu trái sang thu mật hoa hoàn toàn phù hợp với tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt là các huyện giáp biển ở miền Tây. Bằng cách này, người dân vẫn có thể giữ đất, giữ cây, tạo kế sinh nhai…” - anh Ngãi cho biết.

Gian nan tạo sản phẩm… và hành trình đưa mật hoa dừa xuất ngoại

 

Sokfarm đã tạo việc làm ổn định cho nhiều bà con người Khmer tại địa phương.

Anh Ngãi không nhớ nổi mình đã đổ đi bao nhiêu lít mật để phục vụ cho việc tìm công thức chế biến sản phẩm. Sau 6 tháng, anh dần tìm được mẫu số chung. Đến nay, Sokfarm đã cho ra đời 7 dòng sản phẩm khác nhau từ mật hoa dừa gồm: đường hoa dừa, nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men, hạt cacao & mật hoa dừa, nước tương mật hoa và giấm mật hoa dừa.

Thời điểm đầu, người tiêu dùng không có lý do gì để chuyển từ việc dùng mật ong, đường mía sang mật hoa dừa. Trong khi, Sokfarm lại là một thương hiệu mới, chưa có tên tuổi. Người tiêu dùng vẫn còn nhiều hoài nghi. Vì thế hiếm người nghe giới thiệu về sản phẩm mới mà sẵn sàng bỏ tiền ra mua ngay. Anh Ngãi cho biết: “Để lấy lòng tin, mình đem sản phẩm của mình tặng cho bạn bè, người thân, đặc biệt là những người cùng khởi nghiệp. Vào thời điểm đầu, mình còn nhớ Sokfarm rất xông xáo tham gia các hội chợ. Bởi mình muốn khách hàng được thử, cảm nhận và nghe tư vấn trực tiếp…”.

Không chỉ các hoạt động trong nước mà phải minh chứng năng lực xuất khẩu để cho thấy chất lượng sản phẩm, anh Ngãi quyết định mang sản phẩm đi đăng ký kiểm định chất lượng để “vượt vũ môn” vào Nhật Bản. Đến tháng 9/2021, sản phẩm đã thuyết phục được cơ quan quản lý Nhật Bản khi đáp ứng hơn 300 chỉ tiêu chất lượng về an toàn thực phẩm.

Mới đây, tháng 10/2023, Sokfarm hợp tác cùng Công ty cổ phần Quốc tế LNS US đã xuất khẩu chính ngạch thành công đơn hàng gần 20.000 chai mật hoa dừa tươi Organic Soksanl – đặc sản Trà Vinh đến cảng Houston, Hoa Kỳ.

Vợ anh Ngãi - chị Thạch Thị Chal Thi cho biết, Bến Tre có 70.000 ha, Trà Vinh 33.000 ha trồng dừa, mật hoa dừa chứa rất nhiều chất khoáng, lên men nhanh có thể làm sản phẩm xịt bù khoáng, dưỡng ẩm cho da. “Sokfarm sẽ dùng mật hoa dừa để làm mỹ phẩm và mong muốn trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về ngành mật hoa dừa tại Việt Nam sau khi đạt được những tiêu chuẩn khắt khe như hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập” - chị Chal Thi tự tin nói.

Hiện Sokfarm đã hợp tác với 35 hộ nông dân với 20 ha vườn dừa, tăng gấp 10 lần so với thời điểm đầu, để thu mua 45 tấn mật hoa dừa/tháng. Tất cả các vườn dừa đều đạt chứng nhận hữu cơ cho thị trường của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nhờ vậy, sản phẩm của Sokfarm đã xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, Hà Lan, Đức và Mỹ.

 Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam - Bài 2: Chuyện lạ đời của vợ chồng "Ngãi mật hoa dừa" 

Bạn cần Đăng nhập blog.or Đăng ký blog.to_comment.

Danh sách bình luận (0)