• 0966 243 066
  • hello@sokfarm.com

Tạp chí xã hội - Mật hoa dừa Sokfarm : Canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu

Rời phố về quê phục hồi kỹ thuật thủ công thất truyền của người Khmer Trà Vinh, khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh ngập mặn tại địa phương. Đó chính là một vài nét nổi bật của thương hiệu Sokfarm (Nông Nghiệp Hạnh Phúc), với các sản phẩm từ mật hoa dừa tại tỉnh Trà Vinh, xứ dừa lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Bến Tre.

Hoa dừa sau khi được xoa bóp kích thích thông tuyến mật sẽ cho thu hoạch mật. Ảnh do Sokfarm cung cấp ngày 20/01/2024. 

Nếu như đất nước Canada có tiếng về mật cây lá phong, thì các nước trồng dừa cũng ngày càng được biết đến với sản phẩm mật hoa dừa, nhất là với xu hướng canh tác nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu và thích nghi với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, cái tên nổi bật về mật hoa dừa là Sokfarm, với vài chục sản phẩm được chế biến từ mật hoa dừa hữu cơ, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người yếu thế. Sau vài ba năm khởi nghiệp, các sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm đã được xuất khẩu chính ngạch đến những thị trường khó tính như Nhật, Đức, Hà Lan, Mỹ.

Người sáng lập và phát triển thương hiệu Sokfarm (Nông Nghiệp Hạnh Phúc) là chị Thạch Thị Chal Thi (kỹ sư chế biến thực phẩm), cùng chồng là anh Phạm Đình Ngãi (kỹ sư điện). Vào năm 2021, Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN Business Awards, mục Doanh nghiệp phát triển bao trùm - Inclusive Business, mô hình kinh doanh tạo lợi nhuận chung, tạo tác động xã hội, đóng góp vào giảm đói nghèo và phát triển bền vững thông qua việc gắn kết cộng đồng có thu nhập thấp.

Để hiểu hơn về nghề thu mật hoa dừa và hành trình tạo tác động xã hội, ngày 15/01/2024, RFI Tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn chị Thạch Thị Chal Thi, người Khmer, giám đốc công ty TNHH Trà Vinh Farm với thương hiệu Sokfarm.

RFI : Xin chào Thạch Thị Chal Thi, từ bỏ công việc tại các doanh nghiệp theo chuyên môn được đào tạo, chị và chồng là anh Phạm Đình Ngãi đã về Trà Vinh thành lập công ty TNHH Trà Vinh Farm với thương hiệu Sokfarm (Nông Nghiệp Hạnh Phúc). Do đâu mà anh chị quyết định « bỏ phố về quê » lập nghiệp và tại sao lại chọn sản phẩm về mật hoa dừa như vậy ?

Thạch Thị Chal Thi : Khi mình làm gì cũng đều có cơ duyên. Chal Thi và Ngãi đều là những người đi học ở Sài Gòn, lúc đó quê hương của mình là Trà Vinh, vùng dừa lớn thứ hai Việt Nam, nhưng lúc đó dừa ở Trà Vinh để mọc mầm. Mình rất thương ba mẹ, thương dân làng bởi vì khi trồng lúa, bị biến đổi khí hậu, bị hạn mặn đã không thu hoạch được gì, tới khi trồng dừa thì có trái thì không có ai thu mua. Nên mình có suy nghĩ là mình còn trẻ, đi học nhiều rồi, ở lại Sài Gòn thì làm ở các tập đoàn cũng có, nhưng bây giờ chắc là lúc mình quay trở lại quê hương để làm gì đó cho cha mẹ, gia đình, quê hương và dân làng. Thế nên, hai vợ chồng quyết tâm rời phố, rời Sài Gòn để quay về Trà Vinh để bắt đầu dự án mật hoa dừa Sokfarm.


Hai nhà sáng lập thương hiệu mật hoa dừa Sokfarm, chị Thạch Thị Chal Thi và chồng, anh Phạm Đình Ngãi. Ảnh do Sokfarm cung cấp ngày 20/01/2024.

RFI : Chị có thể nói thêm về mật hoa dừa ? Khó khăn nhất khi làm nghề thu mật hoa dừa ở Trà Vinh là gì?

Thạch Thị Chal Thi : Chal Thi từ nhỏ đã lớn lên dưới tán dừa. Thật ra cây dừa có một ý nghĩa rất lớn đối với người Khmer Trà Vinh nói riêng và với đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thứ nhất là cây dừa cũng là loài cây phát triển cả ngàn năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Thứ hai là cây dừa là cây thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn của miền Tây. Miền Tây đang chịu hạn mặn, có nghĩa là mặn hiện giờ đã vào sâu 100 km ở Trà Vinh. Cây dừa cũng là một loài cây giúp cho người dân có kinh kế bền vững.

Khi chọn ngành nghề mật hoa dừa thì cũng có những thuận lợi, những khó khăn. Thu mật hoa dừa là ngành nghề truyền thống của người Khmer thời xưa, nhưng mà do sản phẩm không được thương mại hóa nên nghề đã bị mai một cách đây khoảng 100 năm. Sokfarm kế thừa, tiếp nối lại ngành nghề truyền thống, đưa công nghệ vào chế biến sản phẩm, giống như đưa bản địa ra thế giới. Thuận lợi tiếp theo là nằm ở vùng nguyên liệu, Trà Vinh là vùng nguyên liệu dừa lớn thứ hai ở Việt Nam, nên nguyên liệu dồi dào.

Còn khó khăn thách thức thì chắc chắn mình làm nghề nào cũng vậy, cũng có những thách thức riêng. Lúc Sokfarm ra đời, thực ra ngành nghề mật hoa dừa là hoàn toàn mới đối với thị trường và người tiêu dùng ở Việt Nam. Khi mình nghiên cứu dự án mật hoa dừa, thì căn bản do nghề đã bị mai một, nên mình cũng không biết kỹ thuật mat-xa hoa dừa thu mật thế nào. Mình cũng không biết chế biến mật hoa dừa thành các sản phẩm gì cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng của Việt Nam.
Sáu tháng đầu tiên do không biết mat-xa hoa dừa thu mật nên không thu được giọt mật nào hết. Từ tháng thứ 7 trở đi, do mình cũng xem video của bên Thái Lan, Philippines, Ấn Độ thì mới tham khảo lại được cách làm mat-xa hoa dừa thu mật từ những quốc gia đó, và từ đó trở đi thì mình mới thu được mật.

Khi thu được mật xong làm gì ? Mình lại phải mày mò về kỹ thuật chế biến vì không có ai dạy mình, nhưng Chal Thi mạnh về nghiên cứu và phát triển sản phẩm do mình tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm, nên mình cũng nghiên cứu phát triển được những sản phẩm thị trường đang cần.

Sau chế biến sản phẩm thì đến bán hàng, nhưng khi đó ở Việt Nam không ai biết mật hoa dừa là gì, nên bán bằng cách nào? Khi đó mình cứ cần mẫn, có hội chợ gì thì mình tham gia giới thiệu sản phẩm, ở đâu có cuộc thi thì mình cũng tham gia nói về mật hoa dừa. Tháng 09/2019 thì sản phẩm mới ra đời, còn trước đó, thời gian nghiên cứu là 1 năm 9 tháng. Mặc dù mới ra đời được 3 tháng thì dịch Covid ập đến, nhưng do sản phẩm hợp với xu hướng tiêu dùng nên mỗi năm mình đều tăng trưởng 100%. Chỉ có năm 2023 thì tăng trưởng chậm lại một xíu do suy thoái tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện tại vấn đề lớn nhất là gì? Đó là đầu ra sản phẩm. Chal Thi và Ngãi đều là kỹ sư, kỹ sư thực phẩm và kỹ sư điện, nên chưa mạnh về bán hàng, nên cũng đang tìm kiếm để mở rộng kênh bán hàng, kênh xuất khẩu, để thu mua được nhiều mật của nông dân. Nên Chal Thi nghĩ hiện tại thì khó khăn nhất vẫn là mở rộng thị trường.

RFI : Sokfarm đã hồi sinh nghề truyền thống, kết hợp với những công nghệ mới như thế nào để vẫn duy trì được nét truyền thống của mật hoa dừa vừa đáp ứng được những tiêu chí mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm?

Thạch Thị Chal Thi: Hiện tại Sokfarm kết hợp với truyền thống và hiện đại. Truyền thống là người thợ vẫn đi thu mật hoa dừa, dùng tay mat-xa hoa dừa, sau đó dùng chày gõ lên hoa để thông tuyến mật bên trong, cắt hoa và hứng mật hoa. Đó là nét truyền thống, nhưng người thợ cũng tuân theo quy trình thu mật và chăm cây theo chuẩn hữu cơ mà Sokfarm đẫ đăng ký với bên chứng nhận hữu cơ. Sau khi thu mật thì mật được đưa về nhà máy chế biến.

Sokfarm đang dùng công nghệ chế biến chân không, nấu ở nhiệt độ thấp 55-60 độ C, để giữ được dưỡng chất của sản phẩm mật hoa dừa và đồng đều được các mẻ sản phẩm, bởi vì khi xuất khẩu thì phải đảm bảo yêu cầu về giá trị dinh dưỡng, về sự đồng đều giữa các mẻ sản phẩm và thứ ba cũng đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các quốc gia như châu Âu hay Mỹ.

RFI : Theo Chal Thi, trên thế giới và chẳng hạn ở Đông Nam Á, mật hoa dừa đã phát triển ở mức độ nào rồi?

Thạch Thị Chal Thi : Ở những quốc đảo Thái Bình Dương, những nơi có trái dừa, và đặc biệt là tại châu Á, chẳng hạn Philippines, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan thì người ta đều biết cách thu mật hoa dừa. Trước năm 2023, căn bản thì thế giới cũng biết nhiều đến mật hoa dừa. Nhưng từ năm 2023 trở lại đây thì mật hoa dừa trở thành một trong những sản phẩm xu hướng tiêu dùng của thế giới, bởi vì hiện tại người tiêu dùng trên thế giới khi chọn sản phẩm thì họ chọn sản phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng sản phẩm đó cũng phải tốt cho môi trường, khi sản xuất ra không làm ảnh hưởng đến môi trường và còn bảo vệ môi trường, sản xuất tuần hoàn, thu hoạch bền vững.

Thế nên, hiện giờ, mật hoa dừa ngày càng trở thành sản phẩm có xu hướng tiêu dùng của thế giới, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, kể cả những nhà máy lớn hiện tại. Sokfarm cũng đang cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy lớn. Họ mua mật hoa dừa về để thay thế đường tinh luyện để sản xuất các sản phẩm như snack dừa, thanh năng lượng, thanh protein, thanh sô cô la để xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu. Hiện tại, thế giới chuộng những loại chất ngọt tự nhiên, không qua tinh luyện, có chỉ số đường huyết thấp, kể cả những người có vấn đề về đường huyết cũng có thể dùng, nên mật hoa dừa là sản phẩm có xu hướng tiêu dùng bền vững.


Nụ cười của người thợ thu mật hoa dừa. Ảnh do Sokfarm cung cấp ngày 20/01/2024.

RFI: Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, Sokfarm còn được đánh giá cao về tạo tác động xã hội ? Xin chị cho biết thêm về những điều này?

Thạch Thị Chal Thi: Thực ra là Chal Thi và Ngãi hay nói là mình có phước, gặp được nghề thu mật hoa dừa, tìm kiếm được giá trị hạnh phúc của cộng đồng và bản thân. Lý do mình đặt tên Sokfarm là, Sok trong tiếng Khmer là hạnh phúc hoặc bình an. Sokfarm là Nông Nghiệp Hạnh Phúc. Mình hạnh phúc khi làm được cái nghề giúp cho người tiêu dùng khỏe và hạnh phúc, còn người nông dân thì rất hạnh phúc khi họ có được một nghề và có thu nhập ổn định mỗi tháng, đặc biệt là những người lao động yếu thế ở địa phương.

Có những người không biết chữ, đặc biệt người Khmer, có những người chưa tốt nghiệp lớp 12, có người thì đã 55-60 tuổi, nếu họ có được một cái nghề như nghề thu mật hoa dừa để có thu nhập 6-10 triệu/tháng để nuôi gia đình thì họ quý ngành mật hoa dừa lắm, ví dụ chú Ray, một trong những người thợ thu mật hoa dừa ở Sokfarm, hỏi chú hạnh phúc là gì, chú nói hạnh phúc là được leo cây dừa thu mật mỗi ngày. Chú cũng 55 tuổi rồi. Bản thân mình là người sáng lập Sokfarm hay các anh chị em công nhân ở đây đều làm việc và hạnh phúc mỗi ngày vì mọi người cũng được làm việc thoải mái và có thu nhập ổn định để nuôi gia đình. Đó là giá trị của Nông Nghiệp Hạnh Phúc.

Còn về cộng đồng, như hồi nãy Chal Thi có chia sẻ, thì từ khi bắt đầu tới giờ có nhiều thách thức lắm. Từ Covid, suy thoái kinh tế, kinh tế toàn cầu đóng băng, nhưng mà động lực để mình vượt qua tất cả là những người như chú Ray với hạnh phúc là được leo cây dừa mỗi ngày để thu mật. Có những chị nông dân nói là nhờ làm việc với Sokfarm chị có đồng lương nuôi con đi học, rồi có những người như Luân nói là “thoát nghèo bền vững rồi”. Đa số nông dân hợp tác với Sokfarm là hộ nghèo hoặc cận nghèo. Có những anh, nguyên gia đình chỉ có mình anh có sức lao động, là hộ nghèo, cận nghèo, anh đi thu hoa mật gánh gia đình 6 người.

Thế cho nên Sokfarm luôn nói là mình phải làm tốt nhất, bán được nhiều hàng để quay lại liên kết với nông dân, tạo sinh kế cho dân làng. Đó là sức mạnh cộng đồng để mình vượt qua khó khăn, thách thức.

RFI : Vậy Sokfarm góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu thế nào?

Thạch Thị Chal Thi: Ngành mật hoa dừa là một trong những ngành thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và xâm ngập mặn của miền Tây. Trà Vinh nói riêng là tỉnh giáp biển, còn về đồng bằng sông Cửu Long thì theo dự báo của các nhà khoa học, trong 30-50 năm nữa đâu đó sẽ có những nơi bị ngập 30% hoặc bị mặn xâm lấn, khi mặn vào thì cơ cấu cây trồng bị thay đổi hết, lúa cũng không phù hợp với độ mặn 2‰ (2 phần ngàn), cây lúa chết hết. Cây ăn trái như mít, sầu riêng, ổi, ca cao khi bị ngập mặn thì cũng không trồng được.

Chỉ duy nhất có cây dừa là sống được với tình hình ngập mặn. Từ 7‰ đến 15‰ cây dừa vẫn sống, vẫn ra hoa, nhưng trái không đậu, trái non, hoặc trái rụng hoặc không phát triển được, dân gian gọi là trái dừa điếc. Khi xâm ngập mặn như vậy, chỉ cần dừa ra hoa là mình thu được mật hoa dừa, người nông dân có được sinh kế khi xâm ngập mặn xảy ra. Đó là những động lực để mình luôn hướng tới việc phải làm cho thật tốt, bán được thật nhiều hàng, để xây nhà xưởng lớn hơn, liên kết với nhiều hộ nông dân hơn.

Sokfarm cũng đặt mục tiêu là đến năm 2030 liên kết được với 500 nông hộ, và đến năm 2035 liên kết được với 1.000 nông hộ. Thật ra một nông hộ là hai vợ chồng cùng làm, những đôi khi cũng có những nông hộ một người làm gánh 3-4-5-6 người, nuôi cả gia đình, nên mặc dù hiện giờ mình mới chỉ liên kết được với 30 nông hộ thôi, nhưng đến năm 2030 chắc chắn mình sẽ đạt được mục tiêu mà mình đã đưa ra, để tạo được giá trị cho cộng đồng nhiều hơn, tốt hơn và bền vững hơn.
RFI Tiếng Việt chân thành cảm ơn chị Thạch Thị Chal Thi đã tham gia chương trình!


Những người thợ đi thu mật hoa dừa. Ảnh do Sokfarm cung cấp ngày 20/01/2024.


Bạn cần Đăng nhập blog.or Đăng ký blog.to_comment.

Danh sách bình luận (0)