TP - Cuối tháng 8, Sokfarm xuất khẩu lô hàng chính ngạch đầu tiên sang Nhật. Đồng thời, sang tháng 9 xuất tiếp lô thứ 2 đi Hà Lan bất chấp giữa làn sóng COVID-19 vây quanh. Qua đó mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp trẻ ở Trà Vinh.
TP - Cuối tháng 8, Sokfarm xuất khẩu lô hàng chính ngạch đầu tiên sang Nhật. Đồng thời, sang tháng 9 xuất tiếp lô thứ 2 đi Hà Lan bất chấp giữa làn sóng COVID-19 vây quanh. Qua đó mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp trẻ ở Trà Vinh.
Tìm cơ trong nguy
Hơn 4 tháng nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến khốc liệt ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế. Với doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp như Cty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) do anh Phạm Đình Ngãi làm Giám đốc điều hành, tại thị trấn Tiểu Cần (Tiểu Cần, Trà Vinh) cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, giữa bốn bề khó khăn ấy, anh lèo lái con thuyền vượt qua bao sóng gió để đưa sản phẩm vươn ra thế giới.
Anh Ngãi cho biết, với sản phẩm mật hoa dừa, Sokfarm có thể thu mua tại Trà Vinh, tuy nhiên nguyên vật liệu để sản xuất thì nhà cung cấp đa phần ở TPHCM nên giá thành từ chai lọ, tem nhãn... làm chi phí tăng cao. Chưa kể, nếu không dự trữ sẽ bị gãy chuỗi sản xuất. Vì thế, Công ty phải mua dự trữ các nguyên liệu đó để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn.
Trước khó khăn, Ngãi suy nghĩ rằng, phải luôn tìm cơ hội trong nguy khó. Hiện tại, thị trường trong nước đang gặp khó khăn thì mình tìm nước ngoài để xuất. Thông qua nhiều kênh khác nhau, anh Ngãi chào hàng sản phẩm của mình sang các quốc gia châu Á, châu Âu. Và sau thời gian đàm phán, làm việc với đối tác lô hàng mật hoa dừa đầu tiên đã xuất được chính ngạch sang Nhật Bản vào cuối tháng 8. Đồng thời, sang giữa tháng 9 tiếp tục xuất lô hàng thứ 2 sang Hà Lan. “Mặc dù số lượng đơn hàng xuất chính ngạch sang Nhật và Hà Lan chưa nhiều nhưng mở ra cơ hội lớn để xuất sang các nước khác trên thế giới”, anh Ngãi chia sẻ.
Anh Ngãi kể, để xuất sang Nhật là cả quá trình công phu, làm việc nghiêm túc nhiều tháng, đặc biệt về chất lượng sản phẩm để đạt tiêu chuẩn xuất đi thì đối tác đòi hỏi khắt khe. Chưa kể, họ còn yêu cầu nghiêm ngặt qua hàng trăm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Trong thời điểm dịch bệnh, mọi thứ làm việc với nhau qua trực tuyến, tuy nhiên trở ngại về ngôn ngữ giao tiếp cũng là một rào cản lớn nhưng vẫn cố gắng để đáp ứng các yêu cầu của họ”, anh Ngãi chia sẻ.
Cải thiện sinh kế người dân
Anh Phạm Đình Ngãi (32 tuổi) quê ở Đồng Tháp, vợ quê Trà Vinh, cả 2 đều có công việc ổn định ở TPHCM. Vợ anh là thạc sỹ chuyên ngành công nghệ thực phẩm, làm sale cho doanh nghiệp nước ngoài, còn anh Ngãi cũng là thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật điện, giảng dạy tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Sau đó, anh Ngãi chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp chuyên về ca cao ở Tiền Giang. Khi ấy cả 2 vợ chồng có thu nhập khá.
Năm 2018, ở Trà Vinh giá dừa xuống mức thấp kỷ lục, không có người mua. “Thời điểm đó dừa chỉ 20.000 đồng/chục (12 trái) tính ra một trái chỉ bằng ly trà đá, trong khi nông dân cực khổ, bỏ công sức ra để được sản phẩm nhưng thu được chẳng là bao. Hơn nữa, Trà Vinh là địa phương có diện tích trồng dừa nhiều thứ 2 ở Việt Nam với trên 25.000 ha nhưng nông dân vẫn chưa thể làm giàu từ tài nguyên bản địa này”, anh Ngãi trăn trở.
Trước thực tế ấy, anh Ngãi nghĩ, mình có điều kiện sang nước ngoài học tập, thấy mô hình lấy mật hoa dừa, trong khi ở quê nhà thì nông dân cực khổ nhưng không thể khá nổi với cây gắn bó bao đời với họ. Từ đó, vợ chồng anh quyết định trở về quê lập nghiệp.
Thời gian đầu hoa dừa không ra mật như ý muốn, anh Ngãi cùng các cộng sự trèo lên, trèo xuống chỉnh sửa cách lấy mật ròng rã 6 tháng trời, rồi anh xuất ngoại học hỏi kinh nghiệm mới đạt được kết quả như mong muốn.
Anh Ngãi nghĩ, nếu thành công thì ngành nghề này sẽ phát triển bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, giúp nông dân trồng dừa tăng giá trị kinh tế nông hộ từ 3-5 lần và đặc biệt đó là phát triển xanh. Bởi vì tất cả quy trình không xả thải ra môi trường và tái sản xuất tốt, mọi thứ bền vững. “Hiện nay trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều loại cây trái bị ảnh hưởng nhưng cây dừa luôn xanh tốt. Vì thế, cây dừa sẽ là một trong những loại cây chuyển đổi trong tương lai ở miền Tây. Hơn nữa, nếu phát triển tốt thì trồng dừa lấy mật sẽ là hướng đi mới cho người dân”, anh Ngãi tâm sự.
Từ mật hoa dừa có thể chế biến được hơn 30 sản phẩm khác. Đồng thời, sản phẩm mật hoa dừa là thực vật thuần chay nên người tiểu đường, ăn kiêng, lớn tuổi hay trẻ em đều có thể sử dụng được. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng, đặc biệt là người ăn chay hiện nay cần tìm chất tạo ngọt từ tự nhiên thay thế đường mía và mật ong để dùng. Vì thế, xu hướng này ngày càng lớn nên đây là cơ hội để phát triển nông sản bản địa.
Hiện tại, Sokfarm có 6 dòng sản phẩm là nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, giấm mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men và ca cao mật hoa dừa. Mỗi tháng công ty tiêu thụ nguyên liệu từ 15 - 20 tấn mật tươi để sản xuất ra 3 - 4 tấn sản phẩm.
Tư duy thích ứng
Với Phạm Đình Ngãi, yếu tố thành công đó là sự “thành thật”, bởi vì khi làm việc với đối tác, trân trọng sự thành thật, công khai minh bạch rõ ràng họ sẽ đồng hành với mình. Ngoài ra, một trong những yếu tố nữa là thay đổi tư duy thích ứng với mọi hoàn cảnh. Điển hình như trong tháng 8, mặc dù ở tại Trà Vinh nhưng sản phẩm mật hoa dừa vẫn tham gia hội chợ quốc tế về ngành dừa tại Jakarta (Indonesia). “Hiện nay kinh tế khó khăn, vì thế muốn tồn tại không cách nào khác là phải chuyển đổi số, dịch tới đâu thích ứng tới đó”, anh Ngãi nói.
Trà Vinh là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Hiện tại, hầu hết nhân viên của công ty là người dân tộc Khmer chiếm trên 90%. “Giá trị cốt lõi của Sokfarm chính là xây dựng thương hiệu trên quê hương gắn nghề truyền thống của người Khmer”.
Nguồn:
https://tienphong.vn/thac-si-ve-que-lap-nghiep-voi-mat-hoa-dua-post1383544.tpo
Danh sách bình luận (0)