Xu hướng thực phẩm của thế giới 2025
- 16 Jan, 25
- Admin
(SGTT) – Thực hiện giấc mơ đưa sản vật quê nhà Trà Vinh miền Tây sông nước đến rộng rãi người tiêu dùng, anh Phạm Đình Ngãi (33 tuổi) đã rời phố thị về quê, quyết tâm cùng vợ xây dựng thương hiệu Sokfarm, chuyên những sản phẩm về mật hoa dừa.
Từng tốt nghiệp ngành thạc sĩ kỹ thuật điện và có thời gian giảng dạy bộ môn điện công nghiệp ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng ở TPHCM, anh Phạm Đình Ngãi hiện là giám đốc điều hành của Sokfarm, đổi hướng về quê khởi nghiệp và trở thành gương mặt trẻ tiêu biểu ở quê nhà với thương hiệu của mình.
Sau hành trình ba năm đi từ số không, anh Ngãi đã tạo ra được nhiều giá trị kinh tế từ loại trái bản địa và giúp ngành nghề thu mật dừa tưởng như mai một có cơ hội được hồi sinh.
Chia sẻ về cơ duyên có mặt Sokfarm trên thị trường, anh cho biết đây là ý tưởng đến từ người vợ của mình: “Vợ tôi học về công nghệ thực phẩm, năm 2018 khi cô ấy đang ở quê thì thấy Trà Vinh giá dừa rất thấp, cây cho nhiều trái nhưng không nhiều thương lái mua vì dừa trồng sâu trong đất liền rất khó thu mua”.
Không giống như Bến Tre dừa có mặt nhiều gần các sông, kênh rạch nên vận chuyển bằng ghe tàu dễ dàng hơn nhiều. Thấy vậy, vợ anh đặt ra câu hỏi liệu có cách nào tăng giá trị kinh tế cho trái dừa hay không?
Vợ tôi học về công nghệ thực phẩm, năm 2018 khi cô ấy đang ở quê thì thấy Trà Vinh giá dừa rất thấp, cây cho nhiều trái nhưng không nhiều thương lái mua vì dừa trồng sâu trong đất liền rất khó thu mua.
Nói là làm, chị bắt đầu lên mạng tìm hiểu thì thấy trên thế giới dừa ngoài cho trái vẫn có thể dùng để thu mật và cho giá trị kinh tế rất cao. Theo anh Ngãi, đây là tín hiệu cho hai vợ chồng bắt tay vào nghiên cứu để tìm ra hướng đi tốt cây dừa miền Tây, phương pháp sản xuất thu mật sẽ phù hợp với tình trạng xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ở miền Tây rất nhiều.
Trong sáu tháng đầu tiên, anh cùng cộng sự nghiên cứu mãi không tìm ra kỹ thuật thu mật hoa từ cây dừa, sở dĩ đây là ngành nghề truyền thống của người dân địa phương đặc biệt là đồng bào người Khmer nhưng khi ngành đường mía bắt đầu thịnh hành, bà con đã dần bỏ nghề và không còn lưu truyền nhau kỹ thuật lấy mật.
“Bài toán khó cho người khởi nghiệp diễn ra vào từng thời điểm khác nhau, sau khi thu được mật rồi thì chúng tôi phải nghiên cứu cách chế biến, đo thị trường, đặt mục tiêu không dùng chất bảo quản và sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được”, anh tâm sự.
Giải thích Sokfarm có nhiều nghĩa, theo lời anh, tuy nhiên, ý nghĩa nhất là nông nghiệp mang lại giá trị hạnh phúc và bình an. Anh hy vọng bằng tâm huyết của người trẻ, cây dừa quê nhà Trà Vinh sẽ có chỗ đứng trong thị trường nông sản Việt cũng như thế giới.
Anh cho biết cây dừa độ tuổi 3-15 năm thích hợp để thu mật hoa dừa, đối với những cây cao không thu mật được sẽ cho trái như bình thường, riêng hình thức sản xuất thu mật tăng giá trị kinh tế 3-5 lần so với cho trái.
Hiện tại Sokfarm đang triển khai mô hình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, dùng vườn dừa họ sẵn có, chuyển cho bà con tự thu mật rồi đem bán lại ở nhà xưởng.
“Nhờ cách làm này mà bà con ý thức hơn được giá trị sản vật quê nhà mình, không phải bán rẻ hay lo thất thu nguồn dừa, lựa chọn ở lại quê nhà, giữ đất làm vườn và phát huy nghề truyền thống”, anh bộc bạch.
Theo anh Ngãi, mật hoa dừa cho ra được ít nhất 30 sản phẩm liên quan với nguồn dinh dưỡng hoàn toàn tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Nghiên cứu mật hoa dừa được công nhận có chỉ số đường huyết thấp phù hợp với người lớn tuổi, sản phẩm giàu khoáng, kali, natri cân bằng điện giải cho cơ thể.
Hương vị mật thanh nhẹ, tự nhiên có mùi dừa đặc trưng và hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản. Anh cũng cho biết mật hoa dừa khác với mật ong ở điểm đây là mật thực vật làm từ hoa, dùng thay thế đường mía và mật ong, phù hợp với người ăn thuần chay.
Hiện tại anh đã có nhà xưởng đạt chuẩn quốc tế, sản phẩm mật hoa dừa có mặt trên 30 tỉnh thành và 400 nhà bán hàng trên toàn quốc. Nhờ mô hình liên kết với nông dân, chuyển giao kỹ thuật cho bà con tự thu mật, anh Ngãi tự tin vào giá trị mình đang tạo dựng theo hướng xanh và bền vững.
“Trà Vinh là tỉnh thành thứ hai có sản lượng dừa lớn ở Việt Nam, tôi muốn sử dụng tài nguyên thiên nhiên bản địa là dừa để vừa tìm hướng đi mới cho nó, vừa giải quyết bài toán nhiễm mặn, hệ sinh thái, thiên nhiên bị ảnh hưởng ở miền Tây”, anh nhấn mạnh.
Khi đặt chân vào hành trình khởi nghiệp, anh luôn tâm niệm sẽ tạo ra được chuỗi giá trị hạnh phúc từ người nông dân đến người thu mua, chế biến và tiêu dùng. Người nông dân hiểu được công việc mình đang làm từ loại quả có ngay trong vườn, họ được trả công xứng đáng nhờ giữ nghề truyền thống, nhà máy chế biến, người bán hàng và người tiêu dùng cũng hiểu được ý nghĩa trong từng giọt mật và hưởng xứng đáng với chất lượng như vậy.
Là một người trẻ may mắn được tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức mới và kỹ thuật hiện đại, anh và vợ luôn đau đáu suy nghĩ ngày trở về đem làn gió mới cho quê nhà của mình.
“Tôi xuất thân từ con của nông dân nên tôi yêu nông nghiệp và chế biến nông sản vô cùng, nhờ tầm nhìn vào nguồn lực địa phương, văn hóa bản địa, tôi đã tìm được nơi lý tưởng ở Trà Vinh để sản xuất và tìm đường ra thế giới cho nông sản Việt”, anh tâm sự.
Hiện anh đã đăng ký sở hữu trí tuệ gần 60 nước trên thế giới và có nhiều đơn hàng xuất khẩu chính ngạch sang Nhật, Hà Lan và hàng xách tay sang Mỹ.
Trong tương lai, anh sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy, vùng nguyên liệu bản địa và kết hợp với nhiều lao động địa phương để phát triển thương hiệu sản phẩm từ mật hoa dừa Trà Vinh.
Nguồn: Báo Sài Gòn tiếp thị
Bạn cần Đăng nhập blog.or Đăng ký blog.to_comment.
Danh sách bình luận (0)