• 0966 243 066
  • hello@sokfarm.com

Cô gái Khmer với hành trình “làm hoa rót mật cho đời”

Cầm cố hết tài sản để mong có được “mật ngọt”, nhưng những gì chị Chal Thi nhận được lại là “quả đắng”. Trong lúc ấy, chị đã không buông xuôi, ngày ngày cần mẫn như con ong “làm hoa rót mật cho đời”.

Mật ngọt sau vị đắng


Những ngày này, tại các vườn dừa ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh luôn rộn rã tiếng cười khi nông dân bước vào mùa thu hoạch. Gọi là thu hoạch nhưng không phải hái trái, mà chỉ thấy những người đàn ông trèo lên cây rồi làm những động tác… “mát-xa” cho cây dừa.


Công đoạn mát-xa cho cho dừa để lấy mật. Ảnh: P.V.

Lau vội mồ hôi nhễ nhại trên trán, ông Thạch Sa Rây (xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần) vui vẻ giải thích: “Để lấy mật hoa dừa hiệu quả, chúng tui phải dùng tay tác động một lực vừa phải để kích thích hoa tiết mật. Lực tác động vừa đủ để bông dừa không bị dập nát nhưng cũng không được làm quá nhẹ nhàng nếu không sẽ không kích thích được mật chảy ra. Mỗi ngày phải đều đặn leo lên cây 2 lần để mát xa bông dừa. Cứ cách 12 tiếng lại thu mật một lần. Trong 24 giờ, trung bình, một mật hoa dừa sẽ cho ra 1 lít nước. Cứ vậy liên tục trong 25 ngày sẽ được 25 lít”.

Gia đình ông Sa Rây có 7 cây dừa trồng xung quanh nhà. Trước đây, gia đình ông chỉ bán trái, thu được 150 nghìn đồng/tháng. Từ khi chuyển qua trồng hoa thu mật, gia đình ông thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Và điều này không phải tự dưng mà có.


Chị Thạch Thị Chal Thi luôn nặng nợ với cây dừa quê hương. Ảnh: P.V.

Cách nhà ông Rây không xa là một doanh nghiệp có bảng hiệu “SokFarm”. Sok trong tiếng Khmer là hạnh phúc. SokFarm ở đây mang ý là nông nghiệp hạnh phúc.

Người phụ nữ tên Thạch Thị Chal Thi (sinh năm 1989) vui vẻ đón khách với nụ cười hiền hậu, hạnh phúc như chính cái tên gọi của doanh nghiệp mà vợ chồng chị đã
gầy công xây dựng.

Chal Thi vốn xuất thân từ một gia đình nông dân ở huyện Tiểu Cần, được cha mẹ lo ăn học đến nơi đến chốn. Chị tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm của Đại học Bách khoa TP. HCM, sau đó làm việc cho một tập đoàn chuyên về nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2018, khi đó tỉnh Trà Vinh có diện tích dừa lớn thứ hai Việt Nam, chỉ sau Bến Tre. Cây dừa chủ yếu chỉ thu hoạch bán trái thô và phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc hoặc thương lái Bến Tre thu mua. Khi thương lái không mua, dừa Trà Vinh rơi vào cảnh ế ẩm, người trồng chỉ biết bỏ để mọc mầm.

Nhà Chal Thi cũng trồng dừa, thương cha mẹ và bà con trong xóm vất vả với cuộc sống bấp bênh, chị lúc nào cũng trăn trở làm được việc gì đó giúp người thân và cộng đồng thoát khỏi cảnh khốn khó, đồng thời gia tăng giá trị từ cây dừa.


Chị Thạch Thị Chal Thi chia sẻ về quá trình gian khó khi khởi nghiệp với nghề thu mật hoa dừa. Ảnh: P.V.

Qua tìm hiểu, Chal Thi biết nghề thu mật từ hoa dừa là nghề truyền thống của đồng bào Khmer nhưng đã bị thất truyền từ lâu. Ở các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines... ngoài thu hoạch dừa lấy trái, người ta còn tạo ra các sản phẩm giá trị khác như mật hoa dừa.

Đặc biệt, trong năm 2013, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng đã công nhận đường hoa dừa là chất tạo ngọt bền vững nhất thế giới, dựa trên 3 yếu tố là: cải thiện kế sinh nhai, phù hợp với biến đổi khí hậu và tính bền vững của xu thế tiêu dùng. Từ một diện tích giống nhau, cây dừa có thể cho lượng đường cao hơn 50-70% so với cây mía.

Và rồi, Thạch Thị Chal Thi đã nghỉ việc ở thành phố để trở lại quê hương Trà Vinh tìm giải pháp cứu cây dừa với công việc đầu tiên là “trồng hoa lấy mật”.

Chị kể, lúc bắt tay vào làm đã gặp vô số khó khăn, do bản thân chưa từng có kiến thức về kỹ thuật lấy mật hoa dừa, kỹ thuật chế biến, ngay cả thị trường tiêu thụ cũng chưa nắm được. Tất cả đều bắt đầu từ con số 0.

Trong 6 tháng đầu tiên thử nghiệm, những gì thu về là… “quả đắng” vì không có được giọt mật nào. Khó khăn càng chồng chất hơn khi gia đình chị có bao nhiêu sổ đỏ phải đem thế chấp ngân hàng hết để vay tiền xây xưởng, vận hành doanh nghiệp, nhưng toàn bộ đều thua lỗ.


Những vườn dừa xanh ngát ở Trà Vinh. Ảnh: P.V.

“Lúc đó, tôi có cảm giác mọi cánh cửa đều đóng sập nhưng gia đình, vợ chồng động viên nhau phải cố gắng vượt lên. Chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, rồi nghiên cứu các video về kỹ thuật lấy mật hoa dừa ở các nước bạn như: Thái lan, Philippines… Và phải mất thêm 6 tháng nữa mới thu được những giọt mật đầu tiên hòa lẫn trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cả gia đình”, chị Chal Thi nhớ lại.

Đưa vị ngọt vươn xa


Theo chị Chal Thi, để thu mật phải chọn hoa dừa đúng độ tuổi. Nếu hoa non, quá trình lấy mật sẽ dễ bị hư, còn hoa già quá, sẽ cho ra nước mật không đạt. Nói rồi, chị chỉ tay về một nhân công đang thoăn thoắt trên ngọn dừa. Người đàn ông cầm cán dao gõ vào dừa để thông tuyến mật.

“Mình phải gõ một lực vừa đủ thôi, nếu gõ nhẹ quá thì tuyến mật sẽ không được thông, còn lực mạnh quá thì sẽ làm dập tuyến mật bên trong. Do đó, người thợ lấy mật được ví như những người nghệ sĩ. Họ phải yêu bông dừa, hiểu được cây dừa và cảm được nó. Phải vừa dày công chăm bón, vừa vun đắp tình cảm, và cả kỹ thuật nữa thì mới thu được mật từ hoa dừa”, chị Chal Thi nói.

Nhưng nếu chỉ có mật thôi thì chưa đủ, bởi đằng sau đó là cả một hành trình dài của: thất bại, làm lại, thất bại, rồi đứng lên làm lại…


Chị Thạch Thị Chal Thi hướng dẫn nhân viên vận hành máy cô đặc. Ảnh: P.V.

Khi có được những lít mật dừa đầu tiên, bài toán nan giải khác lại tới, đó là làm sao cô đặc lại thành mật hoa dừa.

“Mình làm hàng tự nhiên không có phụ gia nên gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm không đồng nhất từ các mảng. Sau nhiều tháng miệt mài với hàng trăm đợt nấu thử thất bại vì nước dừa không hài hòa độ ngọt và độ chua, độ cô đặc..., đến tháng 9/2019, sản phẩm mật hoa dừa của chúng tôi chính thức trình làng thị trường”, chị Chal Thi kể.

Giải quyết xong bài toán sản phẩm lại tới vấn đề tiêu thụ. Có những ngày công ty chị chỉ bán được 1 chai mật nhỏ, trong khoảng 1 năm đầu thua lỗ rất nhiều. Nhưng chị đã không từ bỏ mà cố gắng mỗi ngày, chỗ nào có hội chợ hoặc chương trình khởi nghiệp, hội chợ… là chị tranh thủ mọi lúc mọi nơi để tới giới thiệu, lan tỏa sản phẩm.

Thời điểm này, những chai mật hoa dừa đầu tiên được gửi cho bạn bè, đồng nghiệp dùng thử và nhận được những tín hiệu tốt. Những người bạn góp phần giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo.

“Mật hoa dừa phù hợp với nhu cầu ăn kiêng vì lượng đường thấp nhưng giàu khoáng chất. Cây dừa là thế mạnh của Việt Nam, nếu tận dụng được, cơ hội để phát triển các sản phẩm từ mật hoa dừa là rất lớn”, Chal Thi nói về thành công của những ngày đầu vượt qua gian khó.
Cô gái Khmer với hành trình “làm hoa rót mật cho đời”


Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Trà Vinh Farm. Ảnh: P.V.

Nghề trồng dừa ở miền Tây Nam Bộ, từ trước tới nay, người dân hầu như chỉ thu trái chứ không thu mật dừa, nên những ngày đầu, cách làm của chị Chal Thi được xem là “lạ đời”. Thậm chí không ít người xung quanh còn còn nghi ngờ, đàm tiếu, cho rằng đó là việc làm vô bổ.

Đến khi thấy vườn dừa của chị thí điểm thành công, bà con bắt đầu tin tưởng vào khả năng phát triển ngành nghề khai thác, chế biến mật hoa dừa và đồng ý liên kết sản xuất với chị.

Năm 2019, vợ chồng chị Chal Thi thành lập Công ty TNHH Trà Vinh Farm với thương hiệu Sokfarm. Mục tiêu của chị là làm ra sản phẩm để mọi người cùng hạnh phúc. Người nông dân hạnh phúc vì có thu nhập từ cây trồng truyền thống. Người tiêu dùng hạnh phúc vì được sử dụng những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Nhà bán hàng hạnh phúc vì kiếm được tiền từ những giá trị mang đến cho cộng đồng. Nhà sản xuất hạnh phúc vì mình làm được điều có ý nghĩa cho quê hương, cho đồng bào Khmer của mình.

Đến nay, thương hiệu Sokfarm đã cho ra mắt thị trường 7 sản phẩm: đường hoa dừa, mật hoa dừa, nước uống mật hoa dừa… và mới nhất là nước tương mật hoa dừa. Trà Vinh Farm vẫn không ngừng nghiên cứu để phát triển thêm sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng và mở rộng thị trường.


Đến nay, thương hiệu Sokfarm đã cho ra mắt thị trường 7 sản phẩm. Ảnh: P.V.

Hiện tại, Trà Vinh Farm đã có nhà xưởng đạt chuẩn ISO 22000: 2018, sản phẩm mật hoa dừa có mặt trên 30 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Sokfarm đã có hệ thống phân phối hơn 30 tỉnh, thành phố qua hơn 400 đại lý và có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba và đại lý tại Nhật Bản, Hà Lan...

Đặc biệt, UBND tỉnh Trà Vinh chứng nhận sản phẩm mật hoa dừa, nước uống mật hoa dừa đạt tiêu chuẩn OCOP. Năm 2021, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chứng nhận các sản phẩm của Sokfarm là ngành hàng thực phẩm Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập. Mật hoa dừa cũng là một trong 4 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 của tỉnh Trà Vinh được Bộ Công Thương công bố...

Vì quê hương phụng sự


Theo tính toán của Chal Thi, trồng dừa lấy mật sẽ giúp người nông dân tăng gấp 3-5 lần so với lấy quả. Bởi, một bông hoa dừa sẽ khai thác mật liên tục trong 25 ngày, tương đương 20-25 lít mật/hoa/tháng. Với mức giá mật dừa đang được thu mua 10.000 đồng/lít, một bông hoa dừa sẽ mang lại 200.000-250.000 đồng/tháng.

Trong khi đó, một cây sẽ ra trung bình 13 hoa mỗi năm. Bên cạnh đó, trồng dừa lấy mật còn thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi, nếu độ mặn quá cao, cây sẽ bị rụng quả, nhưng hoa lại không hề bị ảnh hưởng.

Hiện nay, công ty có hơn 70 hộ nông dân tham gia trong mô hình liên kết, với 20 ha dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA (Chương trình hữu cơ quốc gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ), mức thu nhập trung bình của nông dân lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.

Chị Thạch Thị Lập (38 tuổi, huyện Tiểu Cần) chia sẻ, vì cuộc sống khó khăn nên một dạo, chị phải xa nhà đi làm công nhân ở công ty may may mặc. Khi biết tin về Công ty Trà Vinh Farm, chị đã xin vào làm công nhân và được tuyển dụng.


Vợ chồng chị Chal Thi hạnh phúc với những thành công đạt được. Ảnh: P.V.

“Mức lương mỗi tháng của tui khoảng 9 triệu đồng, số tiền đó đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình đối với một huyện còn nghèo như Tiểu Cần. Ngoài ra, công ty còn thưởng riêng mỗi khi đạt doanh số, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ khác cho công nhân. Quan trọng nhất là mình có việc làm ổn định gần nhà. Được sự quan tâm của công ty như vậy, tui và các công nhân khác luôn đồng hành, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình để giúp công ty ngày càng phát triển”, chị Lập tâm sự.

Ông Thạch Sa Rây (xã Phú Cần) chia sẻ: “Trước đây, nông dân trồng dừa thu trái, chỉ có thể thu hoạch 7 - 12 triệu đồng/tháng/ha. Từ khi tham gia liên kết trồng dừa lấy mật, nông dân có thể thu được 40 - 60 triệu đồng/tháng/ha. Cũng nhờ mật ngọt từ cây dừa mà nên nhà nên cửa”.

Ông Lê Văn Bài - Chủ tịch LĐLĐ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Công ty Trà Vinh Farm hiện có 37 lao động, trong đó, có 7 cán bộ, và 3 kỹ sư nông nghiệp.

Tháng 5/2022, công ty chính thức thành lập công đoàn cơ sở, đến nay đã có 37 đoàn viên (tỉ lệ 100%).

Thời gian qua, việc chăm lo đời sống của người lao động, đoàn viên tại công ty được thực hiện rất tốt. Công ty áp dụng hệ số tăng ca, quà tặng sản phẩm mật hoa dừa hằng tháng cho các đoàn viên có sức khỏe kém như: hạ huyết áp, tiểu đường. Ngoài ra, công ty còn mở lớp học tiếng Anh cho con em các đoàn viên trong độ tuổi đi học, tổ chức trao tặng quà tặng vào các dịp lễ, Tết trong năm, hỗ chợ chi phí khám chữa bệnh cho đoàn viên…

Hiện mỗi tháng Sokfarm cho ra thị trường 20.000 sản phẩm thành phẩm, doanh thu mang về hơn 3 tỷ đồng. Chị Chal Thi mong muốn mỗi năm đưa ra thêm 1-2 sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa, vào năm 2030 sẽ liên kết được ít nhất 1.000 hộ nông dân, tạo được việc làm cho hơn 300 người lao động nhờ vào nhà máy sản xuất mật hoa dừa tại Trà Vinh.

Thông tin thêm: 

Ông Trần Trường Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết với diện tích dừa lên tới 23.698 ha (khoảng 6,6 triệu cây dừa), Trà Vinh là tỉnh có diện tích cây dừa lớn thứ 2 ở Việt Nam (sau tỉnh Bến Tre). Trong đó, gần 21.000 ha đang cho trái, năng suất bình quân 15,2 tấn/ha, sản lượng 307.000 tấn, tương đương khoảng 257 triệu quả/năm.

Ngoài mô hình thu mật dừa nêu trên, ngành Nông nghiệp còn triển khai nhiều giải pháp để nâng cao giá trị từ cây dừa. Theo đó, nông dân tại địa phương đã chuyển sang trồng dừa hữu cơ, được cấp chứng nhận GlobalGAP. Thay vì tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu sang các quốc gia lân cận và Trung Quốc, hiện nay doanh nghiệp đã thu mua trái dừa để xuất khẩu sang châu Âu. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có 1.294 ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu và chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Kế hoạch phát triển dừa của tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, diện tích phấn đấu đạt trên 25.000 ha, cho sản lượng trên 375.000 tấn/năm.

Năm 2023, trong khi dừa thông thường chỉ bán được với giá 5.000 - 6.000 đồng/trái, thì dừa có chứng nhận GlobalGAP được doanh nghiệp thu mua với giá 7.500 - 8.000 đồng/trái.

Bạn cần Đăng nhập blog.or Đăng ký blog.to_comment.

Danh sách bình luận (0)